Yahoo một thời hào quang bây giờ đã thông báo đóng cữa
Cuối những năm 90, Yahoo bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động, thêm dịch vụ e-mail, chat, nhóm trao đổi, game và nền tảng website. Hãng này cũng bắt đầu triển khai dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng. Mọi thứ đều rất thuận lợi.
Từng là gã khổng lồ Internet tại Thung lũng Silicon, nhưng Yahoo giờ đây đang không biết tương lai sẽ đi đâu, về đâu.
Sự thụt lùi của Yahoo bắt nguồn từ cả một quá trình dài mất phương hướng, sai lầm trong chiến lược, thiếu lãnh đạo có tầm nhìn và thiếu nhạy bén với thời cuộc.
Thành lập năm 1994 bởi 2 sinh viên tốt nghiệp trường Stanford (Jerry Yang và David Filo), thoạt đầu Yahoo có cái tên dài ngoằng là “Jerry and David’s Guide to the World Wide Web”, nhưng nhanh chóng trở thành một trong những trang web được biết tới nhiều nhất trên mạng Internet. Hai năm sau đó, cái tên Yahoo! mới chính thức ra đời và lên sàn chứng khoán.
Công việc chủ yếu thời kỳ này của Yahoo là thu thập các đường dẫn URL mới, hay còn gọi là địa chỉ trang web, thông qua các bộ dò tìm web và thói quen sử dụng e-mail của người dùng. Yahoo được ví như người chỉ đường, soi lối trong thời kỳ hoang sơ của mạng Internet.
Cuối những năm 90, Yahoo bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động, thêm dịch vụ e-mail, chat, nhóm trao đổi, game và nền tảng website. Hãng này cũng bắt đầu triển khai dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng. Mọi thứ đều rất thuận lợi.
Bắt đầu khủng hoảng
Năm 2000, Yahoo ký thỏa thuận cấp phép hệ thống tìm kiếm cho Google, khi đó mới chỉ là công ty khởi nghiệp. Đây chính là thời điểm bong bóng “.dotcom” tan vỡ, khiến Yahoo phải sa thải hàng trăm nhân viên và đau lòng chứng kiến cảnh cổ phiếu giảm giá từ 119 USD xuống còn vỏn vẹn 4 USD. Ngay cả khi được vực dậy, Yahoo vẫn luôn bị xem là cái bóng của Google.
Trong khi Google chỉ tập trung vào lĩnh vực tìm kiếm thì Yahoo, dưới thời giám đốc điều hành Terry Semel, lại mở rộng địa hạt hoạt động quá mức vào giữa những năm 2000. Sau khủng hoảng bong bóng “.dotcom”, Yahoo đã chi tiền mua công ty tìm kiếm riêng có tên Inktomi nhưng hướng phát triển đã thay đổi, bởi rõ ràng Google đang “làm mưa làm gió” trong lĩnh vực tìm kiếm khi đó.
Năm 2005, vẫn dưới sự dẫn dắt của Terry Semel, Yahoo thành lập một nhánh giải trí tại Los Angeles, bổ sung thêm dịch vụ phim ảnh và âm nhạc song song với game, tin tức, thể thao và nguồn thông tin tài chính. Tầm nhìn của Semel là biến Yahoo thành cổng cung cấp giàu nội dung cho bất cứ thiết bị chạy trên nền web nào, ở bất cứ thời điểm nào. Thế nhưng, một thập kỷ sau đó, sứ mệnh của Yahoo là cái gì đó rất khó nắm bắt. Rất khó nói Yahoo thực sự là gì.
Với Yahoo, đây là thời kỳ nhiễu loạn, thậm chí còn nổi lên thông tin hãng phải “bán mình” cho Microsoft. Năm 2007, Yahoo gần như không có cửa cạnh tranh với các đối thủ khác. Ở mảng tìm kiếm, Google đang là số 1. Yahoo định phát triển thành công ty truyền thông, nhưng Google đã phỗng tay trên YouTube, thành thử ý định đó đành trôi sông, trôi biển. Chiến lược cũng như định hướng phát triển lâu dài của Yahoo chỉ bó hẹp trong không gian kinh doanh quảng cáo dựa trên tìm kiếm, nhưng có vẻ như nó ngày càng trở thành mảnh đất dữ.
Hy vọng rồi lại thất vọng
“Không gian sống” của Yahoo ngày càng bị bóp nghẹt khi Google và Facebook nhảy vào mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến. Năm 2012, Marissa Mayer, một nữ giám đốc từng rất thành công tại Google, đầu quân cho Yahoo với hy vọng vực dậy công ty này.
Kỳ vọng ở Mayer là rất lớn. Thậm chí, để chào mừng vị CEO này, nhân viên của Yahoo còn treo các poster có chữ “Hope” (Hy vọng) trên đó, giống như cuộc đua vào Nhà Trắng của Barack Obama trước đây.
Tuy nhiên, mặc cho có nhiều nỗ lực, Yahoo vẫn không thể gượng dậy, và như một số người thường nói, hãng này đã không thể tìm ra con đường đi đúng đắn. Đã 3 năm kể từ khi nắm quyền điều hành Yahoo, Marissa Mayer vẫn không thể đưa mảng kinh doanh chính của công ty tăng trưởng ở mức kỳ vọng. Các hãng quảng cáo và nhà đầu tư chiến lược thậm chí không biết ý định thực sự của vị CEO này là gì.
Yahoo từng là một công ty Internet khổng lồ nhưng đánh mất vị thế vào tay các đối thủ sáng tạo hơn. Hãng này cũng thay liên tiếp 3 lãnh đạo cao cấp trước khi Mayer tiếp quản vị trí CEO nhưng sự thất vọng vẫn còn đó. Có lẽ, kỳ vọng đối với vị sếp nữ trẻ tuổi này là quá cao, quá tham vọng.
Giá cổ phiếu của Yahoo đã tăng gấp đôi dưới thời Mayer, nhưng chủ yếu đến từ số cổ phần trong công ty Alibaba (Trung Quốc) mà hãng mua năm 2005 với giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, năm ngoái Yahoo đã bán một phần trong số này và tách phần còn lại thành một công ty riêng lẻ. Mayer hy vọng sẽ tránh bị đánh thuế, nhưng theo các nhà quan sát, khả năng này khó xảy ra.
Vốn hóa thị trường hiện tại của Yahoo là 31 tỷ USD, nhưng mảng kinh doanh chính lại chỉ chiếm 1/10 trong số đó. Hầu hết giá trị của Yahoo hiện nay đều đến từ số cổ phần tại Alibaba và Yahoo Japan, một công ty hoạt động độc lập.
Từ khi Mayer lên nắm quyền, doanh thu và lợi nhuận của Yahoo giảm liên tục. Doanh thu trước thuế của công ty trong năm nay chỉ đạt khoảng 928 triệu USD, giảm 45% kể từ năm 2012 và là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Mayer muốn đưa các sản phẩm và dịch vụ của Yahoo thành xu hướng và vươn tới các lĩnh vực mà trước đây là điểm yếu như mạng xã hội và quảng cáo di động.
Mayer đã chi khoảng 2,2 tỷ USD cho các thương vụ mua lại Tumblr – nền tảng blog trực tuyến, và BrightRoll – công ty quảng cáo video. Nhưng thật không may, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Yahoo tiếp tục giảm, trong khi các đối thủ khác như Google và Facebook lại tăng.
Yahoo và ký ức vàng son: Yahoo từng gắn bó với những kỷ niệm đầu đời của nhiều thế hệ người Việt khi mới tiếp xúc với Internet. Tuy nhiên, cuộc bùng nổ của các mạng xã hội đã khiến Yahoo bị bỏ lại phía sau
Là nền tảng web lớn thứ 3 tại Mỹ sau Google và Facebook, Yahoo có rất nhiều đất phát triển nhưng lại không thể hướng đúng đối tượng người dùng như các hãng đối thủ. Nói một cách ngắn gọn, Yahoo không xác định được khách hàng của mình là ai. Khảo sát gần đây của Ad Age và RBC cho biết, các nhà quảng cáo xếp Yahoo ở vị trí thứ 6, sau Google, Facebook, YouTube, Twitter và LinkedIn ở mức độ hoàn lợi nhuận.
Nguyên nhân thất bại của Yahoo cũng được cho là mắc sai lầm trong khâu tuyển dụng lãnh đạo. Rất nhiều lãnh đạo không có kinh nghiệm dẫn dắt một tập đoàn lớn như hãng này. Họ không có chuyên môn hoặc sự nhạy cảm cần thiết trong mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến.
Ở cấp độ cao nhất, CEO Mayer cũng bị đánh giá là có vấn đề. Hãy nhìn sang AOL để so sánh về năng lực lãnh đạo của CEO. Sếp của AOL là Tim Armstrong, cũng từng làm việc tại Google như Mayer, và cả hai đều muốn đưa công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong khi Armstrong thành công với việc vực dậy AOL, đầu tư sâu hơn vào các mảng tăng trưởng tốt, chủ yếu là nội dung, video và công nghệ chuyên về quảng cáo trực tuyến, thì Mayer vẫn đang rất loay hoay không biết nên làm thế nào.
Khi không còn cái bóng Alibaba đằng sau, rất có thể Yahoo sẽ thành mồi ngon cho những con “cá mập” khác. Và Mayer có thể coi đó là lối thoát an toàn. Không giống trong phẫu thuật, khi làm kinh doanh bạn có thể rời đi trước khi mọi việc kết thúc.
Leave a Reply